Bến Tre là tỉnh có diện tích nuôi nghêu và bãi nghêu giống tự nhiên đứng đầu khu vực ĐBSCL và cả nước. Với lợi thế nằm sát bờ biển Đông, có chiều dài bờ biển 65 km, hình thành nên bãi bồi rộng lớn trải dài từ Bình Đại, Ba Tri đến Thạnh Phú với diện tích trên 15.000 ha. Nguồn nghêu mánh ngoài biển Đông nhiều vô kể, cung cấp cho các bãi bồi ven biển Bến Tre một lượng nghêu giống tự nhiên rất lớn, trên diện tích 480 ha. Mặc khác, do nằm ở các cửa sông ven biển, các bãi bồi giàu chất phù sa, là điều kiện tốt cho nghêu giống sinh sôi với mật độ cao. Sản lượng trên 1.000 tấn/năm.
Theo Bộ thủy sản, chẳng những Bến Tre đứng đầu về diện tích nuôi nghêu, mà chất lượng con nghêu ở Bến Tre cũng không nơi nào sánh bằng. Đó là lợi thế để Bến Tre phát triển mạnh nghề nuôi nghêu xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay Bến Tre chỉ khai thác được 7.510 ha, chiếm khoảng 50% tiềm năng diện tích hiện có. Trong đó, diện tích nuôi thực tế chỉ 2.200 ha, sản lượng đạt từ 20.000-30.000 tấn/năm. Nếu được khai thác một cách triệt để, sản lượng nghêu thương phẩm ở Bến Tre có thể đạt hàng trăm ngàn tấn/năm.
Những năm gần đây, con nghêu ở Bến Tre đã hoà vào dòng chảy hội nhập, vươn ra thị trường thế giới, được đánh giá cao về chất lượng, đóng góp một phần không nhỏ cho kim ngạch xuất khẩu tỉnh nhà. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh trên con đường thâm nhập vào thị trường EU và các nước khu vực Châu Á, con nghêu Bến Tre đang đứng trước một thách thức mới. Đó là vấn đề thương hiệu.
Thương hiệu ở đây không phải đơn thuần là gắn vào một nhãn mác, để nó trở thành tấm vé thông hành nghiễm nhiên bước vào luật chơi cạnh tranh trên thị trường thế giới, mà phải nghĩ đến bản chất bên trong sau “lớp áo thương hiệu” đó như thế nào. Tức là trước tiên phải đảm bảo “sản phẩm chất lượng”, sau đó mới nghĩ đến thương hiệu. Nhận thức được điều này, ngành thủy sản Bến Tre đã mời các nhà khoa học thuộc các Trường, Viện có uy tín thực hiện hàng loạt các công trình nghiên cứu khoa học. Đó là, phối hợp với trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu đặc điểm sinh học, hóa học và kỹ thuật nuôi nghêu ở vùng ven biển Bến Tre; cùng với Viện Hải dương học Nha Trang điều tra nguồn lợi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và chương trình nghiên cứu quan trắc môi trường nuôi nghêu của Viện Hải sản Hải Phòng; phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II xây dựng các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi nghêu; nghiên cứu xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng nghêu chết ở vùng ven biển Bến Tre. Đặc biệt, được sự hỗ trợ AINIA và Cục kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thú y thủy sản, Bến Tre sẽ tiến tới xây dựng Trung tâm làm sạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ theo công nghệ Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến thủy sản ở Bến Tre từng bước hiện đại hóa công nghệ chế biến, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000, SSOP, HACCP, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh, mở rộng thị phần thế giới. Tất cả những động thái trên đều hướng tới mục đích phát triển nghề nuôi nghêu bền vững và chế biến xuất khẩu theo tiêu chuẩn sạch. Khi con nghêu thật sự “sạch” thì mới hội đủ điều kiện tiến tới xây dựng thương hiệu và mới mong giữ được uy tín trên thương trường.
Mới đây, Sở Thủy sản Bến Tre đã mời các chuyên gia thuộc tổ chức MSC hợp tác xây dựng thương hiệu nghêu. Đây là tổ chức có uy tín trên thế giới, giúp Bến Tre xây dựng qui trình nuôi khép kín từ khâu bảo tồn, khai thác, quản lý môi trường, đảm bảo tính đa dạng sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu thực hiện thành công các qui định này, tổ chức MSC sẽ cấp giấy chứng nhận và vị thế của con nghêu Bến Tre sẽ được khẳng định trên thị trường thế giới mà không sợ bất cứ một đối thủ nào trong cuộc chạy đua cạnh tranh.
Theo các chuyên gia của tổ chức MSC, Bến Tre có đủ khả năng để xây dựng thương hiệu nghêu Bến Tre. Tuy nhiên, sự bộc lộ thiếu tính bền vững trong nghề nuôi nghêu do tác động môi trường, khai thác tận thu và nạn trộm cắp nghêu giống bừa bãi là nỗi lo lớn nhất của Bến Tre hiện nay. Về lâu dài, Bến Tre cũng phải tiến tới hình thành khu bảo tồn nghêu, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo tính đa dạng sinh học, vừa ổn định nghề nuôi nghêu theo hướng bền vững. Trong khi chờ đợi những chủ trương từ phía Chính phủ, trước mắt Bến Tre đang sử dụng mô hình quản lý tập thể – Đó là các Hợp tác xã nghêu, Ban quản lý vùng nghêu và các tập đoàn nghêu. Xuất phát từ quyền lợi kinh tế nên các xã viên và tập đoàn viên luôn có ý thức bảo vệ, tránh tình trạng đua nhau trộm nghêu vô tội vạ như trước đây, vừa làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, vừa làm suy thoái, xâm thực môi trường. Được biết, hiện nay Bến Tre có 10 HTX nghêu, 1 Ban quản lý vùng nghêu và 35 tập đoàn nghêu với gần 22.000 người. Đây là lực lượng khá hùng hậu tham gia bảo vệ các bãi nghêu giống và vùng nuôi nghêu Bến Tre.
Hy vọng với những bước đi mang tính căn cơ, rồi đây con nghêu Bến Tre sẽ sớm mang thương hiệu, tạo ra bước đột phá mới, làm giàu thêm cho xứ dừa, mà ngành thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.